Một cái nhìn và cách giải quyết cũng hay dù có đôi điều cần bàn về "bộ lọc"của thời gian cho một tác phẩm.Tuy nhiên, cái gốc của vấn đề luôn phải xuất phát từ giáo dục. Phi giáo dục thì bất thành cho mọi thứ.
TMP
@@@
Việc đưa các nhạc phẩm vào sách giáo khoa chương trình chuẩn là một kế hoạch táo bạo của những nhà giáo dục Hàn Quốc và Trung Quốc. Đó cũng là một cách ghi nhận những giá trị, thành quả từ lao động nghệ thuật đích thực. Nhìn lại nền âm nhạc Việt Nam với những lùm xùm gần đây, có thể thấy là chúng ta chưa thanh lọc được về cơ bản những gì được coi là chuyên môn của âm nhạc.
Từ một điểm soi chiếu
Giữa “tâm bão” vấn nạn “rác” ca từ đang tấn công ồ ạt vào làng nhạc Việt, câu bào chữa quen thuộc mà các nhạc sĩ, ca sĩ trẻ đưa ra là: “Trong bối cảnh giới trẻ đang tiếp cận với cuộc sống hiện đại, ca từ càng dễ hiểu, bình dân càng dễ đi vào lòng người”. Mặt khác, việc yêu cầu một hệ thống ca từ sâu sắc là quá khắt khe với những người sáng tác nhạc còn quá trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm sống. Đối với họ, đó cũng là điều dễ hiểu để trở nên nổi tiếng. Lý do tuổi đời, tuổi nghề nhằm lấp liếm cho sự nông cạn, thiếu hiểu biết cả về văn hóa lẫn thẩm mỹ âm nhạc.
Họ quên mất rằng một ca sĩ nổi tiếng vì hình ảnh nổi loạn của Trung Quốc mới đây đã được đưa ca khúc vào sách giáo khoa dành cho học sinh tập đọc. Đó là Châu Kiệt Luân (Jay Chou) với nhạc phẩm Ốc sên kể về một chú ốc sên có ước mơ vươn tới... bầu trời. Với nỗ lực không ngừng nghỉ, cùng quyết tâm và khát khao cao độ, cuối cùng, ốc sên đã thực hiện được ước mơ. Đó là một trong những kế hoạch nhằm mục đích “hiện đại hóa” giáo dục bằng cách đưa vào chương trình những nghệ sĩ nổi tiếng vốn được các em học sinh biết tới và yêu thích. Tuy vấp phải một luồng ý kiến phản đối của phụ huynh học sinh nhưng không thể phủ nhận ý nghĩa rất đáng hoan nghênh từ câu chuyện của chú ốc sên trong nhạc phẩm của ca sĩ trẻ Châu Kiệt Luân.
Từ trường hợp của Châu Kiệt Luân mà soi chiếu vào một bộ phận người sáng tác trẻ đang biện hộ cho hành vi “xả rác” trong thị trường nhạc Việt. Yanbi và Mr T. - hai cái tên nhạc – ca sĩ trẻ với những ấn tượng tốt đẹp ban đầu với người yêu nhạc đã không “giữ mình” được cũng chính vì cách suy nghĩ nông cạn về những ca từ dễ dãi, thiếu đi phông nền văn hóa thông thường. Điều đáng nói là hình ảnh mà hai ca sĩ này tạo dựng ban đầu không khác mấy so với hình ảnh của Châu Kiệt Luân hơn chục năm về trước. Vẫn là sự năng động, nổi loạn kiểu badboy nhưng Châu Kiệt Luân lại xây dựng một hình ảnh chỉn chu về chuyên môn âm nhạc. Hàng loạt những ca khúc nhạc phim, không dưới 60 ca khúc hit khiến anh được gọi là “nhà marketing trong lĩnh vực âm nhạc” và là “ông vua bị đạo nhạc” nhiều nhất ở Việt Nam, Châu Kiệt Luân đã trưởng thành ngay từ nền móng phong cách âm nhạc cá tính không trộn lẫn, trong đó, góp một phần không nhỏ là ca từ chọn lọc, có bản sắc, có văn hóa.
Âm nhạc là một phương thức giáo dục
Từ Châu Kiệt Luân xâu chuỗi sang sự kiện nhóm nhạc nữ Hàn Quốc - SNSD xuất hiện trong sách giáo khoa âm nhạc năm 1 và năm 2 của các trường phổ thông. Hình ảnh của nhóm nhạc được in kèm với những bài học và được học sinh vô cùng thích thú. Từ danh xưng nhóm nhạc thị trường, SNSD đã chứng tỏ được sức hút, sức ảnh hưởng với không chỉ là đối tượng khán giả trẻ. Có lẽ để có thể được công nhận một cách chính thức như SNSD, các nhóm nhạc ở trong nước còn phải nỗ lực rất nhiều. Đó không những là vấn đề đón đầu thị trường mà còn là vấn đề chuyên môn, bản lĩnh được gây dựng một cách bài bản.
Việc đưa các nhạc phẩm vào sách giáo khoa chương trình chuẩn là một kế hoạch táo bạo của những nhà giáo dục Hàn Quốc và Trung Quốc. Đó cũng là một cách ghi nhận những giá trị, thành quả từ lao động nghệ thuật đích thực. Mặt khác, cho thấy sự hòa quyện giữa các hình thức nghệ thuật, để sách giáo khoa không còn là những tác phẩm văn học thông thường mà lồng ghép âm nhạc để tăng phần hứng thú cho học sinh. Cách làm này ở Việt Nam dường như vẫn còn quá xa lạ khi mà những người làm giáo dục chưa đủ tự tin về ca từ, sức ảnh hưởng hay chưa dám thực hiện vì sợ phản ứng từ dư luận. Trong khi đó, chúng ta có nhiều tác phẩm âm nhạc thậm chí đã được quốc tế công nhận. Có lẽ những “con sâu làm rầu nồi canh” đã khiến không một “nhà” nào đủ tự tin và quyết đoán để đưa tác phẩm âm nhạc, dù hay vào sách giáo khoa.
Điều mà những người làm âm nhạc, làm giáo dục và cả công chúng đều phải nhận thức là chúng ta chưa thanh lọc được về cơ bản những gì được coi là chuyên môn của âm nhạc. Những khe hở trong công tác quản lý âm nhạc cũng đã “dọn đường” cho tình trạng hỗn độn về ca từ hay đạo nhạc ngày càng gia tăng trong làng nhạc Việt. Không “dẹp loạn” được tình trạng trên, trong tương lai, nhạc phẩm được đưa vào sách giáo khoa của Việt Nam sẽ trở thành điều không tưởng.