Như" Đến hẹn lại lên", sau một số thảm họa của nhạc Việt thì chúng ta lại lên dây cót tinh
thần, lại rộn ràng những phương án “giải cứu”
nhạc Việt. Điều này cũng cho thấy cái tâm của những người thực hiện nhưng cái tầm thì quá nông cạn, cũng chỉ quanh quẩn phần ngọn của vấn đề còn cái gốc tai họa
thì trơ lỳ và ăn sâu bén rể cùng năm tháng.
Chúng ta hẳn còn nhớ sau đại án đạo nhạc năm 2004, nhiều kế hoạch âm nhạc cũng "xốc lại đội hình" như thế với tham vọng đưa nhạc Việt lên "tầm cao mới" mà tiêu biểu là sự ra đời của "Bài Hát Việt" một năm sau đó và một số dự án tiếp theo nữa được hi vọng như những vị cứu tinh cho nhạc Việt.
Nhưng thực tế cho thấy, sau một thập niên thì thảm họa vẫn nối tiếp thảm họa bởi vì tất cả được đặt trên một bệ phóng có một tầm nhìn quá hẹp và quá chuộng hình thức, cũng như cách làm chỉ là những bộc phát tức thời đầy cảm tính mà không có một nghiên cứu học thuật tỉ mỉ và khoa học về bản chất của sự việc, cũng như không có một kế hoạch tổng thể, đồng bộ và thống nhất cho những giai đoạn tầm ngắn và tầm xa, bề rộng lẫn chiều sâu. Đồng thời cách xử lý tiêu cực lại nửa vời và vô pháp. Trong khi cái gốc của vấn đề là dân trí và đạo đức lại không được quan tâm đúng. Nếu 10 năm trước, vấn đề này được mổ xẻ và giải quyết tổng lực tận gốc bằng con đường giáo dục dân trí thì hôm nay chúng ta sắp có một thế hệ mới tinh hoa hơn và ưu tú hơn trong thưởng thức và sáng tạo âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung.
Trong khi chúng ta kêu gọi người nghe nên “Nghe có ý thức”
thì chúng ta cũng cần quan tâm đến phần đối trọng của nghe là “Sáng tác có ý thức”.
Nghĩa là làm sao cho giới sáng tác phải tẩy chay tận gốc kiểu sáng tác dễ dãi từ
vay mượn, sao chép thô thiển đến ăn sẵn và ăn cắp cố tình lẫn…vô tình.
Một số những dự án âm nhạc mang tiếng là giáo dục và định hướng
cho thị hiếu người nghe để “giải cứu” nhạc Việt khỏi hố thẳm thì bản thân cái
tên gọi không thôi,như: In the spotlight,
Young hit young beat… gần đây hay mới đây đã vô tình “giáo dục” cho mọi người
cái tâm lý chuộng ngoại, đánh rơi bản ngã thì bản thân nó đã là một thứ cần phải
được “giải cứu” trước tiên mà chưa cần phải xét đến chất lượng nâng cấp thị hiếu
của nó là như thế nào!
Với một tình trạng dân trí và thị hiếu thấp và chắp vá của
người nghe lẫn người sáng tác và tổ chức thực hiện thì mọi việc làm như các
chương trình hay dự án âm nhạc để lôi kéo người nghe đến với âm nhạc đích thực
hay giải trí tử tế chỉ là việc làm hớt rác trên bề mặt dòng nước để nhìn cho
thoáng đãng đôi chút mà không thể giải quyết sự ô nhiễm của cả dòng sông. Sự
nhiệt huyết hay tâm huyết nào đối với nền nhạc Việt cũng đều đáng được ghi nhận,
nhưng với nhiệt huyết thôi chưa đủ mà còn cần một tầm nhìn xa và đúng đắn lẫn lẫn
tài năng và đức độ. Nếu không mọi việc chỉ mang tính chất chữa cháy một cách bị động và đối phó hơn là phá bỏ gốc rễ của
nó.
Do đó, những việc làm như trên chỉ đạt được hiệu quả mong muốn
trên một nền dân trí tốt và một hệ hình văn hóa đúng đắn của người nghe lẫn giới
sáng tác. Còn không nó chỉ mang số phận của những lâu đài trên cát mà chúng ta
đã từng chứng kiến.
Nước lên thì thuyền sẽ lên. Nước vẫn cạn kiệt mà cố nâng con
thuyền lên một cách khiên cưỡng và chỉ làm lấy được trong nhất thời để giải tỏa
mặc cảm thì đúng là chuyện viễn vông rồi!
Hôm nay, dường như
chúng ta vẫn không rút ra một bài học gì cả ngoài cái bệnh kinh niên là chuộng
hình thức và ăn xổi ở thì, không thì cũng là một cung cách hành động nông nỗi,
tự phát vì bức xúc trước mắt trong khi không có sự chuẩn bị về dân trí và văn
hóa đầy đủ. Nếu vậy, hãy chuẩn bị đón nhận những thảm họa tiếp theo- hay từ từ sẽ
phải nhìn nó dần trở nên chai lì và thành...chuyện bình thường của nhạc Việt.
Đó không phải là cái nhìn bi quan mà là cái nhìn nhân quả.
Trần Minh Phi
Bài viết cho báo người lao động
Link:http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/viet-tiep-ca-nhac-xoc-lai-doi-hinh-bung-goc-tai-hoa-20140723221913794.htm