14.1.14

Chút phiếm luận về “âm” và “nhạc”

Âm thanh và âm nhạc vừa giống nhau không cơ bản vừa khác nhau rất cơ bản. Để tiện, trong bài viết này, chúng ta qui ước “âm” là âm thanh và “nhạc” là âm nhạc.

“Âm” là những tiếng động phát ra do những sóng âm thanh truyền đi trong không gian một tần số mà sinh lý đôi tai con người có thể “bắt sóng alô” và truyền lên võ não. Tần số đó theo khoa vật lý học là từ 16Hz đến 20Hz. Nếu sóng âm nằm ngoài biên độ đó thì âm thanh được gọi là siêu âm và tai người hoàn toàn vô dụng với nó. Vậy có thể hiểu:”âm” là tiếng động hay tiếng ồn bất kỳ nào đó mà tai chúng ta nghe được trong tự nhiên.


“Nhạc” cũng là âm, đây chính là điểm giống nhau không cơ bản giữa chúng với nhau, nhưng nhạc có điểm khác rất cơ bản với âm chính là: các nguồn âm đã được tạo thành một hiệu ứng, một kết hợp, một xếp đặt khéo léo theo một ý đồ và cảm hứng nghệ thuật để tạo nên một âm thanh có tính nhạc. Hiểu nôm na nhạc là âm đã được “làm đẹp”, đã được “điểm trang son phấn”, đã được “phẩu thuật thẩm mỹ” để thành một mỹ nhân. Cho nên nghe âm thì thường chán và phản cảm như nhìn một cô gái lôi thôi lếch thếch. Nghe nhạc thì cảm khoái như ngắm mấy nàng thi hoa hậu hay mấy cô người mẫu đã được “tút” rất chăm chút đang bước chân theo dáng đi của mèo trên sàn gỗ bóng mịn.

Những điều đó quá hiển nhiên. Âm hay làm người ta bực, cáu hoặc nhẹ hơn là mệt đầu. [Dĩ nhiên có những âm dịu dàng khẽ cất lên như : Em yêu anh, em đẹp, em dễ thương… là chuyện ngoại lệ khác, vì nó thuộc về nội dung chứ không chỉ do sóng âm, có khi còn nghe hay hơn nhạc tình của Schumann!]. Nhưng nhạc thì khác. Có quá nhiều điều tuyệt mỹ, tiện ích mà nhạc phục vụ con người đã được sách vở đâu đâu cũng thấy ghi chép. Này là nghe nhạc khiến người ta tăng tỷ số IQ mà muối I ốt so ra chỉ là con vi trùng; nhạc khiến người ta tập trung tinh thần đồng thời giải phóng tinh thần như nước sôi bốc hơi mờ ảo. Nhạc còn cạnh tranh với y học nữa: nó có thể chữa bệnh, là thuốc giảm đau tự nhiên. Chưa hết, nó còn cạnh tranh với các kỹ sư nông nghiệp; người ta đã thực nghiệm được rằng nếu cho mấy nàng bò thưởng thức nhạc êm dịu thì năng lượng sữa của nó sẽ tăng lên; và tương tự: cây trồng sẽ mau lớn, khỏe mạnh và cho đậu nhiều hoa quả hơn. Người ta còn phát hiện nhạc có thể chữa bệnh tổn thương ở não khi mà trước kia họ đã chứng minh được nhạc làm tăng trí nhớ của con người. Nhạc còn đóng vai trò như… nhân viên an ninh. Tin không? Lợi dụng sự trang nghiêm cũng như sự khó nghe của nhạc cổ điển, những nơi bán hàng như siêu thị trong giờ nghỉ đã tắt nhạc Hiphop, Rock hay Pop đi mà mở nhạc của Bach,Beethoven, Tchaikovsky…để xua đuổi rất nhẹ nhàng và tự nguyện những thanh thiếu niên hư hỏng hay tụ tập và hôi của. Tin sốt gần đây nhất khiến các cặp vợ chồng lâu năm và hưu trí háo hức là nhạc có thể cải thiện tình dục! Như thế, Viagara có thể đang rất run rẩy vì có một kẻ lợi hại đang định soán ngôi của mình. Có thể âm nhạc sẽ còn đưa ra những “lá bùa” tuyệt hảo hơn nữa. Tất nhiên là cũng tùy từng thể loại âm nhạc mà sẽ cho ra những “lá bùa” tương ứng.

Một trong những thứ ô nhiễm môi trường tệ hại là ô nhiễm âm. Nhất là tiếng động cơ giao thông khiến người ta căng thẳng và mệt mỏi trong 30 phút đi đường bằng nhân viên văn phòng làm việc 8 tiếng [dĩ nhiên là làm việc nghiêm túc như không phải ngồi đọc báo, lướt FB hay tám trong giờ làm] đó là một kết luận  từ một nghiên cứu và khảo nghiệm của các nhà khoa học mới đây. Nhưng nếu sau đó chúng ta nghe nhạc thì nó sẽ”thanh trừng” mấy cái âm hỗn này đi ngay. Mà nghe nhạc thì có thể bắt gặp khắp nơi. Đi xem phim cũng có nhạc. Nhất là từ cái thời phim câm của Charlie Chaplin, nhạc chảy xuyên suốt từ đầu đến cuối. Xem kịch cũng thấy nó đi ra đi vào. Xem múa? Càng phải có nhạc! Không có âm nhạc thì làm sao múa, ít ra cũng phải có tiết tấu của nó. Xem trình diễn thời trang mà không có nhạc nền cho mấy mỹ nhân lướt tới lướt lui là thua.Nghe ngâm thơ cũng có nhạc qua tiếng sáo, tiếng tiêu hay âm thanh đàn dây. Nói chung nhạc hiện diện triền miên.

Nhưng thời nay có cái tréo ngoe là nghe nhạc mà không được nhìn là…tiêu, hay ít ra là sẽ thấy nó…nhạt!? Nên nhạc phải nói là xem chứ không chỉ nghe. Xem mấy chân dài đưa đẩy nè. Xem rồi xúc cảm trong những số lượng vòng đo 1,2,3 và nhịp tim lên xuống với những centimet vải lộ ra lộ vào chứ không phải do nhạc khơi gợi gì cả. Từ từ nhạc có mặt đó mà như lặn tăm đi đâu trong những nếp áo ít ỏi của các cô ca sĩ đang xua đuổi nhạc trên sân khấu như đuổi tà. Nhạc nhạt dần đi, nên gọi “âm nhạt” thấy cũng đúng. Đi xem “nhạt” như thế này cuối cùng ai có suy nghĩ cũng giật mình nhận ra mình đang nghe “âm” chứ không nghe “nhạc”. Nó chỉ lấp đầy lỗ tai một cách dễ dãi, vô tư bất kỳ sóng âm nào cũng được không cần âm thanh có tính nhạc vì giác quan chính bây giờ là mắt chứ không phải tai. Thật lạ, trong khi các loại hình nghệ thuật khác đang cần nhạc để thăng hoa thêm thì trong nhạc nhiều khi không cần nhạc, nó chỉ cần thỏa mãn cái “âm” là đủ! Từ định nghĩa: “Nhạc âm có tính nghệ thuật” thì trong trường hợp này có thể nói: Nhạc là nghệ thuật chỉ còn tính âm”. Nếu vậy, những điều tuyệt mỹ và tiện ích nói trên có thể ”bay đi ít nhiều ” và điều có ích còn đọng lại chắc chỉ là giết thời gian và…uống viagara tinh thần là rõ nhất!

Mà cũng phải nhớ cái phức tạp này, kẻo lại lẫn lộn. Có ông nhạc sĩ thiên tài John Cage 7,8 thập niên trước đưa ra cái định nghĩa đầy tính cách mạng: Mọi thứ “âm”  đều là “nhạc” hết, tức là tiếng ồn cũng là nhạc. Và ông chứng minh bằng những tác phẩm gây tranh cãi ồn ào như âm thanh của ông nhưng cuối cùng ông cũng được công nhận là sáng tao. Vậy mấy ý trên khi phân biệt “âm” và “nhạc” là hỏng bét?!
Không phải thế! Những “tác phẩm tiếng ồn” của J.Cage tự thân không phải là thứ tiếng ồn tự nhiên chủ nghĩa mà nó là một dòng chảy nghệ thuật của chủ nghĩa tự nhiên. Hai thuật ngữ này khi đảo ngược từ thì khác nhau: một bên là phi nghệ thuật một bên là nghệ thuật. Cái “âm” của J.Cage là dùng hiện tượng hoặc mượn “tiếng ồn” để phát biểu một khái niệm văn hóa mới là phản văn hóa của chủ nghĩa Đa Đa. “Âm” ở đây dù là thô nhưng nó đã được mượn làm trung gian để phát biểu về một thông điệp nên đã trở thành “âm thanh nghệ thuật”, là một thứ nhạc mới mà các nhà phê bình xếp nó vào chủ nghĩa hậu hiện đại là vậy.

Bàn đến âm và nhạc mà không bàn đến một đối tượng trung gian giữa nguồn phát và tai nghe là thiết bị loa phát là thiếu sót.

Hi-end!!! Một danh từ thời thượng của những dân nghe nhạc là tỷ phú, đại gia. Nó là những thiết bị âm thanh công nghệ cao và tinh xảo bậc nhất thế giới để nghe những âm thanh như thật, còn hơn thật và 3D như đang sống, đang bơi trong các nguồn âm. Để sở hữu một dàn hi-end ra hồn phải tính bằng đơn vị tiền là 10 con số hay ít ra là 9 con số. Số lượng người nghe bằng thiết bị này ở Việt Nam vì thế là ít nhưng xem ra nó cũng đang giãn nở từng ngày theo mức độ chịu chơi như siêu xe ở xứ nghèo mình. Nhưng cái quan trọng với cái giá tiền tỷ thì những sóng âm quý tộc mang tính nhạc kia được tai nghe xử lý thế nào trước khi đưa đến vỏ não giải trình, rồi chạy xuống tâm sự với trái tim?
Thực tế cho thấy người ta quá chuộng dùng dao mổ bò để mổ…ruồi!
Hầu hết người ta chơi hi-end là để nghe âm chứ rất ít nghe nhạc, là thưởng thức âm thanh của thiết bị này chứ không phải là thưởng lãm sự tinh tế, tế vi của dòng sóng nhạc đang được tuôn ra tựa như một ánh sáng rực rỡ trước những đôi mắt mù lòa. Chính những nhà phân phối hi-end cũng đồng ý rằng không phải ai sỡ hữu hi-end là biết cách nghe nhạc một cách cao cấp và thông minh như đẳng cấp tự thân của thiết bị âm thanh khủng này, mà hầu hết họ chỉ dừng lại ở chỗ chơi trò cút bắt với âm thanh và trên hết nó đóng vai trò là một món trang sức kiêu hãnh cho những ngôi nhà tráng lệ mà thôi.

Nghe cũng có đẳng cấp của nó chứ không đơn giản như chuyện sóng âm truyền đến là màng nhĩ ta rung lên là xong. Đó chỉ mới là nghe “âm” chứ không nghe “nhạc”. Nó chỉ là công việc sinh lý của khoang tai. Còn nghe nhạc là chuyện của khối óc và trái tim sau đó.

Mùa xuân đang đến và một trong những âm vang của nó khiến ta bồi hồi hơn hết là những bài nhạc Xuân quen thuộc đã in trong tiềm thức mỗi người. Cái này là nhạc thuần túy rồi đó nhưng với điều kiện đừng mở hết volume vượt quá 130 db. Đó là cường độ âm thanh mà con người có thể chịu đựng được. Từ 130 db trở đi thì thứ nhạc tuyệt vời nhất cũng trở thành âm, thành ồn và có thể giết chết luôn mùa xuân của mỗi người chứ không có một chút tiện ích hay thẩm mỹ và xúc cảm nào cả đâu.

Trần Minh Phi
Bài viết cho báo xuân Văn Nghệ Công An 2014






Back To Top