15.4.14

Ca sĩ Thanh Bùi: Nhạc Việt đủ sức làm như Hàn Quốc

-TMP-
VN đang có nhiều hội chứng lắm!
Nổi bật là hội chứng hoang tưởng và chém gió
"Hoang" và "chém" trong mọi lãnh vực từ xã hội, kinh tế đến thể thao và văn hóa - nghệ thuật
"Hoang" và "chém" với một từ "NẾU"
Câu thường "chém": Nếu chúng ta" thế này thế nọ" thì chúng ta cũng bằng hoặc hơn họ- các nước phát triển và cường quốc hàng đầu thế giới.
Người Pháp có câu ngạn ngữ hay: Chỉ với chữ Nếu thì có thể bỏ Paris vào cái chai!
Tôi diễn nôm thế này:
Nếu con chó mà đi bằng 2 chân sau và nói được thì chó chắc hơn...người rồi!
Hãy học người Nhật không dùng chữ "Nếu"
Họ khiêm tốn nhưng cũng rất trọng thị mình và tha nhân. Họ thường nói: Tôi sẽ cố gắng bằng các anh hoặc hơn các anh!
Nếu bạn hay, bạn giỏi thì người ta cũng giỏi. Chắc gì biết mình hơn? Tất cả chỉ là phỏng đoán 50/50
Vậy tốt nhất cứ cố gắng , cứ nỗ lực học,làm,hành động chứ đừng có mơ mộng và chém gió với từ NẾU!


Ca sĩ Thanh Bùi khẳng định những gì âm nhạc Nhật Bản, Hàn Quốc làm được, Việt Nam đủ sức làm được nếu mọi người cùng suy nghĩ tích cực và chung sức làm

Phóng viên: Sự đón nhận của công chúng Việt đối với ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi như hiện nay có được xem là thành công của anh chưa?

- Ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi: Khi mới về Việt Nam, khả năng diễn đạt tiếng Việt của tôi chưa rõ ràng nên tôi không nghĩ mọi người sẽ hiểu tôi, vì vậy được công chúng yêu mến nhiều như thế là điều ngoài mong đợi. Điều đó đồng nghĩa rằng công chúng đã lắng nghe tôi bằng cả trái tim của họ chứ không chỉ nghe những gì tôi nói. Giải Mai Vàng 2013 Bài hát được yêu thích nhất dành cho ca khúc Tình về nơi đâu của tôi đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên, việc để được công chúng yêu mến mình như một ngôi sao thì không phải là mục tiêu tôi hướng đến. Tôi chỉ biết chuyên tâm vào âm nhạc, làm những điều đúng và phải cố gắng hết sức để hoàn thành công việc mà thôi. Với tất cả những điều đó, tôi mong được công chúng đón nhận bằng chính sản phẩm của mình chứ không phải tất cả những gì liên quan đến Thanh Bùi.

Khi quyết định về Việt Nam phát triển sự nghiệp, mục tiêu của anh đặt ra là gì ?

- Đem những kinh nghiệm từ nước ngoài mà tôi có được để về cống hiến cho nhạc Việt. Đó là việc góp phần xây dựng một thị trường nhạc Việt chuyên nghiệp hơn đủ để thu hút sự chú ý của nền âm nhạc thế giới. Đến hôm nay, trên con đường ấy, nếu tính theo nấc thang từ 1 đến 100, tôi mới đi đến nấc thang thứ 20. Tôi còn một núi công việc phải làm trước mặt nhưng tôi tin, mình đang đi con đường đúng, định hướng đúng.

Có phải chuyên tâm cho công việc đào tạo nên ca sĩ Thanh Bùi ít xuất hiện trên thị trường biểu diễn?

- Điều đó có phần đúng nhưng quan trọng là tôi chỉ muốn trình diễn ở những buổi diễn nghệ thuật đúng nghĩa. Tôi muốn giữ cho mình cảm hứng và niềm đam mê với âm nhạc nhất. Tôi đặc biệt hào hứng với những buổi chia sẻ về âm nhạc cùng các bạn trẻ và đó là lý do tôi đang lên kế hoạch cho chuyến lưu diễn dành cho các bạn sinh viên qua các trường đại học trong vài tháng tới. Tôi làm điều này vì trước hết, âm nhạc của tôi đặc biệt gần gũi với giới trẻ.

Bên cạnh đó, tôi cũng phải giữ sức để chuẩn bị cho dự án chinh phục thị trường nước ngoài trong tương lai gần. Một album tiếng Anh của tôi sẽ ra mắt trong thời gian tới và cùng với nó là chuyến lưu diễn ở Thái Lan, Philippines và Mỹ. Để có thể chinh phục khán giả nhiều nơi, tôi phải tập luyện rất nhiều.

Ca hát, sáng tác và cả công việc giảng dạy, làm thế nào để anh có thể làm tốt cả ba?

- Hãy nhìn nghệ sĩ thế giới, họ có thể làm một lúc rất nhiều việc, chỉ cần thực sự đam mê những công việc ấy. Tôi có đam mê và tôi tin mình có thể làm tốt nhiều việc.

Khi theo đuổi công việc đào tạo, anh nhận ra điều gì từ những đứa trẻ - mầm non tài năng của showbiz Việt?

- Tôi nhận thấy rất nhiều em, độ tuổi từ 10 đến 15, có khả năng ca hát. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của công nghệ, các em dễ dàng tiếp xúc với âm nhạc nước ngoài. Đó không phải là sự sính ngoại mà là điều kiện để hình thành nên “gu” và chất nhạc một cách rõ ràng. Âm nhạc thấm dần vào con người họ nên mọi thứ đều được biểu đạt một cách rất tự nhiên chứ không cố gắng gồng mình để diễn như chúng ta thường thấy trước đây. Với những em này, tôi rất dễ dàng trong việc rèn luyện họ. Quan trọng nhất là các em có khả năng và tố chất để trở thành những nghệ sĩ thực thụ với phong cách rất riêng. Đó cũng là điều mà nhiều nghệ sĩ Việt vẫn còn thiếu.

Anh có thể tin cậy được đội ngũ ca sĩ của tương lai không khi thị trường nhạc Việt đang theo chiều hướng đi xuống?

- Tôi tin mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn vì ở thế hệ sau luôn tốt hơn thế hệ trước nhờ sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Thị trường nhạc Việt chỉ mới bắt đầu và cần thời gian để hoàn thiện ở tất cả các mặt. Với sự nhận thức của thế hệ trẻ, nhạc Việt sẽ có được hình ảnh tích cực khi có sự xuất hiện của đội ngũ nghệ sĩ đích thực.

Thực ra, chúng ta vẫn không thiếu người tài nhưng vì sao nhạc Việt lại đi thụt lùi so với nhiều thị trường âm nhạc, kể cả khu vực?

- Vì nhạc Việt thiếu một cái bắt tay của giới nghệ sĩ. Chúng ta có nhiều người giỏi nhưng họ không chịu hợp tác cùng nhau để hướng đến một mục tiêu chung. Hãy nhìn ra thế giới, mỗi nghệ sĩ đều là đối thủ của nhau nhưng khi cần, họ sẵn sàng ủng hộ, hợp tác với nhau vì con đường nghệ thuật của thế giới giải trí chứ không hướng đến lợi ích của cá nhân. Nếu mọi người đều có suy nghĩ tích cực nhất, dồn hết thời gian, năng lượng cho những điều tích cực thì chắc chắn chúng ta sẽ gặt hái thành quả tốt hơn.

Anh thường nói mong muốn của mình là quảng bá nhạc Việt ra thế giới nhưng xem ra điều đó không đơn giản chút nào?

- Tôi nhìn vào thành công của K.pop để tự tin khẳng định nhạc Việt cũng đủ sức làm được như vậy. Những bài hát hit (ăn khách) của họ được xuất hiện trên bảng xếp hạng âm nhạc thế giới đều không phải của họ viết. Tất cả đều là nhạc ngoại được dịch sang tiếng Hàn mà thôi. Tôi là một trong những người được mời để viết nhạc cho họ nên tôi khẳng định điều mình nói là đúng. Nói điều đó để mọi người hiểu rằng chúng ta hoàn toàn có tiềm năng. Chúng ta cần xây dựng nên một hệ thống quản lý đủ mạnh về mặt bản quyền để những người nước ngoài tin tưởng và muốn làm việc ở Việt Nam giống như nhiều nước khác. Nhật Bản, Hàn Quốc làm được, Việt Nam cũng sẽ làm được. Tôi tin điều đó.

Anh có chiến lược gì cho điều đó chưa?


- Thành công nào trong âm nhạc cũng là thành quả của cả ê-kíp. Tôi may mắn có một ê-kíp giỏi gồm quản lý Myke Brown (quản lý cũ của ca sĩ Tata Young và là đồng quản lý của nhóm nhạc thần tượng F4), nhà sản xuất âm nhạc David Anthony (nhà sản xuất của Janet Jackson), Alex Geringas (người đã giúp Kelly Clarkson mang về tượng vàng Grammy), Steve McGlaughlin... Tôi tin với sự giúp sức từ họ, mình sẽ vượt qua khó khăn và làm được.

Thùy Trang- Người Lao Động
Back To Top