Phần lớn những người học sáng tác từ nhạc viện ra hay những
trường lớp tương tự họ đều trở thành những người thợ viết nhạc vững tay nghề.
Sau bao năm học “phép viết nhạc” họ đều được đóng khung trong cái khuôn vàng thước
ngọc mà nhà trường đã định sẵn cho họ. Thế là họ chỉ “sáng tạo” trong cái “cá
chậu chim lồng” đó mà thôi. Nghĩa là cũng giống như người thợ chăm chỉ và tinh
xảo tay nghề cứ làm theo những thiết kế có sẵn rồi thêm chút “mắm muối” và gọi
đó là sáng tạo.
Những “nhạc sĩ thợ” này có thể soạn khí nhạc, viết nhạc phim,
sân khấu, hoà âm phối khí...và tay nghề họ thì quá chuẩn theo học thuật nhà
trường. Cái này khỏi bàn rồi. Nhưng nghe qua thì chúng như sản xuất hàng loạt
hoặc...khó ngửi. “Khó ngửi” này là từ mượn của J.K. Namurti, một trong những
nhà hiền triết tâm linh nổi bật của Ấn Độ hiện đại. Khó ngửi tức là chúng đi từ
tai này qua tai kia, hay đi vào mắt này ra mắt kia. Chả có cái nào đi tới được
trái tim người nghe cả. Hay ngay cả khi chúng món men đến được trái tim, nhưng
cái đầu minh mẫn của người nghe sâu sắc nào đó sẽ nhận ra sự vay mượn của loài
khỉ.