Âm nhạc trung bình yếu, phim yếu trung bình chỉ có dàn diễn viên thị trường hút thị hiếu tầm thường vui vẻ xuê xoa. Phim ca nhạc VN đang tập trung đếm tiền là chính và chấp nhận xuất phát từ thị trường chợ trời chứ không phải siêu thị. Kiểu chập chững thế này khi cứng xương chắc thịt tất sẽ tạo nên một hình hài khuyết tật là tất nhiên. Không tương lai chỉ ăn xổi ở thì
TMP
Cho đến thời điểm này, phim ca nhạc (ở cả hai thể loại truyền hình và điện ảnh) vẫn là một lãnh địa còn mới đối với các nhà làm phim Việt Nam. Có thể kể ra đây những cái tên phim như Em muốn làm người nổi tiếng, Những nụ hôn rực rỡ,Cho một tình yêu, Vũ điệu đam mê, Bếp hát và Thần tượng. Tất nhiên, trong số những bộ phim kể trên có một số phim đậm chất âm nhạc và một số phim chỉ đưa yếu tố âm nhạc như một thứ gia vị để tạo cảm giác mới mẻ. Nhưng nhìn chung, các bộ phim này ít nhiều đều đã ghi được dấu ấn đối với người xem. Và điều quan trọng hơn là nó đã “thách thức” các nhà làm phim, buộc họ phải nỗ lực rất nhiều.
Lợi một
Làm một bộ phim truyện đơn thuần đã khó, nhưng thiên về một khía cạnh nào như âm nhạc (ngoài ra còn có thể là y khoa, giáo dục, y tế, thể thao)… còn khó hơn. Là bởi nó liên quan đến vấn đề chuyên môn, buộc các nhà làm phim phải trở thành một người am hiểu, nếu không muốn nói là “chuyên gia” trong lĩnh vực mà bộ phim đề cập tới. Có thể nói rằng các đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (phim Những nụ hôn rực rỡ), Nguyễn Đức Việt (phim Em muốn làm người nổi tiếng, Vũ điệu đam mê), Nguyễn Tranh – Lê Hóa (phim Cho một tình yêu), Quang Huy (phim Thần tượng) và Phan Gia Nhật Linh – Danny Đỗ (phim Bếp hát) đã có những thành công nhất định và được coi là những người dũng cảm, mở đường cho thể loại phim ca nhạc Việt.
Poster phim "Những nụ hôn rực rỡ"
Hẳn nhiên, các công ty sản xuất và những người làm phim không phải là không biết đến những lợi thế khi thực hiện một bộ phim ca nhạc với các diễn viên là những ca sỹ ngôi sao vốn đang sở hữu một lực lượng người hâm mộ khá lớn. Cho một tình yêu, Thần tượng, Bếp hát với sự xuất hiện của các ca sỹ Mỹ Tâm, Lam Trường, Hoàng Thùy Linh là những ví dụ điển hình. Các fan muốn xem thần tượng âm nhạc của mình lên phim như thế nào hoặc đơn giản là vì hâm mộ mà ủng hộ tất cả các “sản phẩm” của thần tượng… Mặt khác, cũng có thể bản thân các ca khúc được sử dụng trong phim đã được nhiều người yêu thích, vậy khi các diễn viên thể hiện khả năng ca hát của mình, nó sẽ như thế nào? Đây cũng là điều khiến người hâm mộ tò mò… muốn xem phim. Ngoài ra, với khá đông khán giả đều có cảm nhận chung, một bộ phim truyện ca nhạc thường bay bổng và thú vị hơn một bộ phim đơn thuần, nhất là khi nó được kết hợp với các yếu tố vũ điệu, ánh sáng sân khấu và đám đông khán giả trong phim… Tóm lại có rất nhiều lợi thế để hút khách khi thực hiện một bộ phim ca nhạc mà các nhà làm phim khôn ngoan không nên bỏ qua. Nhưng dĩ nhiên, để thu lợi về lâu về dài, không có cách nào khác ngoài việc họ phải tạo ra một sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng tiêu chí Nhìn và Nghe.
Cảnh trong "Em muốn làm người nổi tiếng"
“Nguy cơ ăn đá” mười
Bất cứ ai, khi đặt mình vào vị trí của một khán giả, đều biết được khó khăn dành cho các nhà làm phim khi họ bắt tay vào thực hiện một dự án phim ca nhạc. Đó là làm thế nào để đan cài hai yếu tố phim (câu chuyện) và âm nhạc (thể loại) với nhau một cách nhuần nhị, logic và hấp dẫn. Nhất là trong thời kỳ mạng internet đang thống trị, khán giả dễ dàng tìm và tải miễn phí những bộ phim ca nhạc đình đám có sự tham gia của những ca sỹ nổi tiếng đảm nhận vai chính như The Bodyguard (ca sỹ Whitney Houston), Burlesque (diễn viên ca sỹ Christina Aguilera và Cher), High School Musical (Vanessa Hudgens), Dreamgirls(Beyoncé Knowles)… hay như bộ phim Les Misérables – người hâm mộ sẽ được nghe Hugh Jackman, Russell Crowe, Anne Hathaway hát “live” và nhảy múa. Và như vậy, hẳn nhiên công chúng sẽ có một sự so sánh, đối chiếu.
Poster phim Thần tượng
Nhưng, như đã nói ở trên, ngoài những lợi thế có sẵn lực lượng người xem là người hâm mộ ca sỹ, yêu thích các ca khúc trong phim thì bản thân những đạo diễn, các nhà làm phim ca nhạc ở nước ta đều ý thức được trách nhiệm và công việc mà họ đang theo đuổi. Nói như đạo diễn Phan Gia Nhật Linh (phim Bếp hát) thì thách thức chính là khán giả có chấp nhận sự mới mẻ hay không? Để làm được điều đó, họ chẳng có cách nào ngoài việc vận dụng những kiến thức cơ bản về làm phim cộng với tự tìm tòi thể nghiệm, làm bằng cảm nhận của chính mình. Phan Gia Nhật Linh dẫn chứng ca khúc Nhé anh trong Bếp hát được đưa vào bối cảnh trái ngược hoàn toàn với tinh thần của bài hát gốc nhưng đạo diễn rất thích nên quyết định… thể nghiệm. Ngoài ra, đồng đạo diễn phim Bếp hát còn làm nhiều sự mới mẻ mang tính đột phá khác và một trong những quyết định táo bạo đó là tách cái tên Lam Trường ra khỏi ca khúc Katy Katy (sáng tác của nhạc sỹ Đức Trí – vốn từng khuynh đảo làng âm nhạc Việt gần một thập kỷ qua. “Mặc dù phim dựa theo kịch bản gốc The Kitchen Musical vốn là phim truyền hình nổi tiếng của Singapore nhưng rõ ràng ở mỗi thị trường, mỗi khu vực, khán giả có thị hiếu khác nhau. Lúc bắt tay vào làm, thực sự tôi cũng không biết khán giả của mình thích gì? Nhưng khi phim phát sóng, biết khán giả không thích cái gì thì mai mốt nếu có cơ hội làm tiếp phim thứ hai, thứ 3… tôi sẽ điều chỉnh”. Có lẽ đây không chỉ là suy nghĩ của riêng đạo diễn Phan Gia Nhật Linh mà còn là tôn chỉ của tất cả các đạo diễn phim ca nhạc ở Việt Nam.
Bởi, như đã nói, các đạo diễn phim ca nhạc là những người mở ra con đường mới mà trên đó, họ chấp nhận thử thách nhiều hơn các đồng nghiệp khác. Khó khăn, thử thách đó là họ không chỉ thiếu người tài, thiếu trường quay, thiếu kinh phí, thiếu đủ thứ như tất cả đoàn làm phim khác mà phim ca nhạc Việt còn bị thiếu ca khúc. Nguyễn Hà - Trợ lý sản xuất phim Lạc giới nhấn mạnh, điểm yếu lớn nhất của phim ca nhạc Việt là ca khúc không mới, chưa hấp dẫn khán giả nhưng đó là hệ lụy từ âm nhạc vốn không có nhiều bài hát có câu chuyện như các ca khúc tiếng nước ngoài. Trong khi, các nhà làm phim vẫn thích sử dụng các ca khúc tiếng Việt hơn và người xem dĩ nhiên cũng thích nghe những bài hát bằng tiếng mẹ đẻ hơn cho nên nhiệm vụ lớn nhất đối với các nhà làm phim ca nhạc hiện nay là kiếm được càng nhiều bài hát hay càng tốt, để góp phần làm phong phú về mặt nội dung của câu chuyện phim.
Trong bối cảnh phim Việt nhiều lên mỗi năm nhưng những tác phẩm chất lượng vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì điều đáng mừng là phim ca nhạc tuy là những cái tên hiếm nhưng đa số đều không nằm trong danh sách phim thảm họa. Mỗi tác phẩm được trình chiếu đều có những thành công nhất định, đặc biệt là phần âm nhạc được thực hiện rất bài bản và chuyên nghiệp, với sự tham gia của những nhạc sỹ tên tuổi như Đức Trí, Võ Thiện Thanh, Huy Tuấn... Một quy trình chuyên nghiệp hóa trong khâu sản xuất như thế rất cần thiết đối với thể loại phim đặc biệt sẽ bị công chúng soi kỹ càng vì hội tụ các ngôi sao ở hai lĩnh vực giải trí hàng đầu là âm nhạc và điện ảnh. Hy vọng rằng, nhờ khởi đầu bằng những bước đi khá vững và ổn định, phim ca nhạc Việt sẽ sớm có được thành công hơn nữa vào một ngày không xa.
Theo Thục Vân-thegioidienanh.vn