Một- bênh vực ST, cho đó là một kiểu sáng tạo
Hai- lên án ST, kết luận là đạo nhạc
Ba- Trung tính, thông cảm cho ST vì thiếu hiểu biết và cho rằng
đó là lỗi hệ thống.
1/Thật ra, việc sáng tác dựa trên
một bản hòa thanh-mà hiện nay thường gọi là beat-có sẵn của người khác rồi
không ghi tên tác giả đầy đủ trong tổng thể tác phẩm khiến tác giả bị lên án đạo
nhạc đã từng xảy ra cách đây 10 năm. Đó là một sự kiện gây ồn ào cả nước khiến
cả Hội Âm nhạc TpHCM lúc đó phải vào cuộc gọi là “đại án đạo nhạc”vào năm 2004.
Lúc đó, bài: “Tình ca”của ns Quốc Bảo được viết trên một bản hòa thanh mà anh
đã tải về từ một trang mạng miễn phí đã tạo ra tranh cãi là hợp pháp hay không?
Lúc đó, QB đã viện dẫn đến Trường
hợp của Gounod khi viết “Ave Maria” trên một bản hòa thanh có sẵn của Bach.
Nay rất trùng hợp là ns Nguyễn Cường
cũng viện dẫn tương tự như thế về trường hợp của Sơn Tùng, và ông nói thêm:
Trong nhạc viện, sinh viên vẫn thường luyện tập sáng tác như thế dưới sự hướng
dẫn của giảng viên.
Lập luận phản bác lý luận trên
cách đây 10 năm đã kết luận: Trường hợp của Gounod khi viết Ave Maria là trên một
bản nhạc hoàn toàn chỉ có hòa thanh mà không có giai điệu của Bach. Ông đã có
những tuyển tập như thế và được xem như là những bài tập mẫu mực về hòa âm và đối
âm cổ điển. Tuy nhiên, Ave Maria luôn được ghi tên đầy đủ là Bach và Gounod. Chứ
không như ST và QB: không ghi tên tác giả bản hòa thanh! Trên thế giới, ngoài
Gounod ra cũng có một số tác giả có đôi lần sáng tác kiểu như thế nhưng ít thấy
ai nhắc đến. Và bản thân bài Ave Maria lúc đương thời cũng bị các nhà chuyên
môn và phê bình âm nhạc đánh giá thấp. Bản thân giới viết nhạc không nên lấy một
hiện tượng cá biệt, ngoại lệ trong lịch sử âm nhạc biến thành phổ biến, đại
chúng cho một kỹ năng sáng tác được.
Còn trường hợp các sinh viên
trong nhạc viện được viện dẫn ra là một hành động đánh đồng khái niệm, vì một đằng
là trong môi trường học tập và một đằng là môi trường sáng tạo và thị trường.
Nó khác nhau như trắng và đen.
Như vậy, đứng dưới góc độ pháp lý
về bản quyền, ST đã phạm luật. Đó là về lý, còn về tình thì đó là một thái độ dễ
dãi, ăn theo.
Còn sự sáng tạo?
Viết trên bản hòa thanh có sẵn thật
ra lại cực khó hơn viết kiểu bình thường. Khó là làm sao viết thoát ra được tư
duy giai điệu gợi hứng đã chực chờ nằm sẵn trong bản beat để tạo ra cá tính
riêng của người viết mà không bị vòng hòa thanh xỏ mũi. Chúng ta nên nhớ rằng,
khi viết một giai điệu thì tự nhiên một tư duy hòa âm dọc sẽ xuất hiện song
song với những nốt nhạc đơn tuyến được gọi là hòa âm ngang. Vì thế mà dân làm
hòa âm rất thích viết hòa thanh cho những ca khúc có tư duy hòa âm cao trong
giai điệu hơn là những ca khúc nghèo nàn về màu sắc hòa âm. Ngược lại, một bản
hòa thanh tự nó đã ẩn chứa trên vòng công năng một kiểu, một phong cách tư duy
giai điệu nào như có sẵn rồi.
ST chưa đủ bản lĩnh và tài năng để
thoát ra khỏi tư duy giai điệu của bản beat nên anh đã dẫm lên khá nhiều giai
điệu gốc của bản beat, chưa kể là phụ thuộc hoàn toàn về tiết tấu.
Cho nên việc viết trên nền beat
có sẵn không phải là con đường sáng tạo giá trị gì mà các nhạc sĩ nghiêm túc và
tự trọng ham thích. Nhất là lại lấy một bản nhạc hoàn chỉnh về giai điệu và hòa
thanh rồi lột bỏ giai điệu đi rồi viết lên giai điệu mới, dưới góc độ nào đó nó
giống như sự cưỡng bức không nên khuyến khích hay thông cảm nếu ta luôn hướng đến
sự nghiêm túc trong nghệ thuật.
Hãy thử tưởng tượng nếu việc này
trở thành xu hướng hay phong trào thì biết bao bản nhạc hay, kinh điển bị đem
ra lột bỏ giai điệu rồi đắp lên giai điệu mới như một kiểu sáng tạo, nó có giống
thảm họa không?
2/Luồng ý kiến này đưa ra bởi các
nhạc sĩ như: Dương Khắc Linh, Đỗ Bảo…Kết luận đạo nhạc thì không sai, mà rõ ràng
nhất là đạo bản beat. Cho dù vô tình hay cố ý. Cho dù là thiếu hiểu biết. Đứng
về góc độ pháp lý bản quyền thì phải chấp nhận. Có lỗi thì thừa nhận. Vì có thừa
nhận thì mới có động lực để sửa chữa.
3/Nhạc sĩ An Thuyên đưa ra quan
điểm: "Trường hợp của Sơn Tùng, tôi chắc chắn là đã có cái sai, nhưng gọi
là “đạo nhạc” thì tôi thấy không nên. Vì cái sai của các cháu là cái sai cá thể
trong tổng thể".
Đây có thể xem như việc đổ thừa
cho lỗi hệ thống. Đặt trách nhiệm lên tập thể, tránh trách nhiệm cá nhân, một
quán tính quá quen thuộc của tư tưởng bao cấp. Đáng tiếc, âm nhạc mà cũng được
bao cấp trong sáng tác thì càng gây nên lỗi hệ thống trầm trọng mà không ai chịu
trách nhiệm cả: Chúng ta xấu nhưng những cái tôi thì không xấu!?
Theo người viết, việc không
nghiêm khắc với lớp trẻ trong sáng tạo là tiếp tay tạo nên những thế hệ nghệ sĩ
tương lai dễ dãi trong sáng tác và có thói quen ăn bám vào sáng tạo người khác
như ký sinh trùng vì những tác giả trẻ khác sẽ lấy đó làm gương điển hình để tiếp
tục vội vã chạy tìm hào quang danh lợi bằng những sáng tác nghèo nàn sáng tạo
nhưng lại giàu có tính thực dụng và ăn sẵn.
(Bài viết cho báo Người Lao Động)
TMP
TMP