26.2.14

Âm nhạc có một trục thời gian khác

Một video âm nhạc là sản phẩm tập thể, bắt đầu từ người nhạc sỹ, đến người hòa âm, người đạo diễn rồi mới đến ca sỹ. Nhưng tinh hoa của ê kíp thực hiện ấy đều kết tinh trong hình tượng người ca sỹ. Người ca sỹ: anh ta là sứ giả của thế giới tâm hồn trong ca khúc. Thế giới trong video âm nhạc là thế giới của sự kiện và biểu tượng được liên kết với nhau bằng chất keo của âm nhạc, khác với thế giới đời thực gồm những sự việc rời rạc trên tuyến tính thời gian.

Người ca sỹ trong ca khúc không phải là một biểu tượng dự phần, lại càng không phải là kẻ mang khuôn mặt minh họa. Một bài hát buồn, trong đó người ca sỹ thể hiện hình ảnh một kẻ buồn bã chán nản, hoặc video kể lể về cuộc đời buồn thảm của nhân vật, thì chúng chắc chắn là một sản phẩm âm nhạc tồi của một tay đạo diễn thiếu tham vọng nghệ thuật. Vì khi đó, từ Ca khúc đến Video Clip là một bước lùi: tính đa nghĩa mà khán giả yêu nghệ thuật trông chờ đã bị giết chết, video chỉ còn nguyên là một họa hình cho ngữ nghĩa ca từ. Ngược lại, Video Clip sáng tạo lại ca khúc, tái tạo một thế giới tâm hồn đa sắc, phi ngôn ngữ. Nhiệm vụ của ca sỹ là: sống trong nó. 

Khi chúng ta kể về đời mình, chúng ta chỉ kể diễn biến: những sự kiện, ngày ra đời, ngày tốt nghiệp, ngày nhận ra một sự thật, hay những vỡ mộng ban đầu. Cũng nói về đời sống, âm nhạc thì cung cấp một lối kể khác, âm nhạc xóa bỏ tuyến tính thời gian thực, và chỉ giữ lại những gì thực sự quan trọng với tâm hồn chúng ta khi tại thế. Đừng vội cho rằng lối trò chuyện của âm nhạc là phù phiếm, lãng mạn, thiếu thực tế. Tôi làm gì, tôi ở đâu, tôi đang cảm thấy thế nào... những thông tin đó tuy Thực TẾ nhưng chỉ quan trọng với người khác. Cái thực sự quan trọng, có ý nghĩa với tôi là một dòng sông lơ đãng chảy trong tâm hồn, mà khi thành âm nhạc, nó là tiếng nói cho chính mình, nói một mình và nói trong duy ngã độc tôn

Ở chốn nào dòng sông đã hòa cùng đại dương

Cạn bến bờ chiều nay thẫn thờ nhìn hoàng hôn

(Việt Anh)

Lời kể đó của Việt Anh chắc chắn không đề cập đến một hoàng hôn anh từng thấy, một dòng sông anh từng bỏ lại, mà là những biểu tượng anh đã mang theo trong tâm hồn mình. Nó có một trật tự khác, của một thế giới khác. Mối quan hệ của người nhạc sỹ và người thưởng thức không còn là mối quan hệ giao tiếp ngôn ngữ, mà là điều này: người nghe có chịu đi vào và sống trong thế giới đó không, nếu muốn, tâm hồn nhạc sỹ luôn chào đón, không giấy thông hành.

Âm nhạc thi ca là thứ duy nhất giúp con người tước bỏ thế trị vì của đời sống thực tế - đời sống của vật dụng và thông tin. Tước bỏ luôn cả giá trị độc tôn của trục thời gian thực. Nó không tạo ra một thế giới mới xa lạ, khó hiểu, mà gọi con người về lại thế giới của chính mình, vốn có.

Trong nhạc Trịnh, dễ thấy tác giả hay dùng những chữ Khi, Đôi khi, Một hôm, Một ngày, Một đêm, Đôi lần.... như một sự từ chối dấu ấn của trục thời gian thực để đưa người ta đến với một tuyến tính khác. 

Đôi khi nắng qua mái hiên làm tôi nhớ

(Rồi như đá ngây ngô)

Rồi một hôm chợt thấy hoang vu quanh mình

(Vết lăn trầm)

Một ngày tay người đã, thả mây bay cho đường dài

(Xin mặt trời ngủ yên)

Một hôm bước chân về giữa chợ

(Đêm thấy ta là thác đổ)

Một hôm, một ngày...là hôm nào, ngày nào? Nó không còn quan trọng bằng việc một sự kiện tinh thần đã xảy ra, chúng rải rác trên trục thời gian thực, nhưng gắn bó với nhau trong tâm tưởng người nghệ sỹ. 

Nhạc Việt ngày nay thật nhộn nhịp. Nhưng tôi vẫn nuối tiếc vì nghệ thuật đã thưa dần trong những ca khúc, những Video Clip. Ca sỹ trong Video giống như một người mẫu, chỉ thể hiện những cử chỉ kịch nghệ, diễn tả một niềm vui, một nỗi buồn, một sự hối tiếc giản đơn đến độ ngớ ngẩn. Họ không còn sống trong ca khúc, hoặc chính ca khúc đã được sáng tác bởi một tâm hồn nghèo nàn (lắm khi người ta đã tưởng lầm rằng âm nhạc chỉ để phục vụ cho cảm xúc của một đám đông hời hợt nhưng dễ xúc động, hay để thể hiện một triết lý rõ như ban ngày). Sự xa lạ lẫn nhau của tinh thần ca khúc với tâm hồn ca sỹ đẩy ca sỹ lâm vào tình trạng đi biểu diễn những thứ hoàn toàn không liên quan gì đến nghệ thuật: chẳng hạn vẻ đẹp bề ngoài của bản thân, sự sung túc tầm thường của một cá nhân hoàn hảo.

Một trong những ca sỹ tôi yêu thích: Đan Trường. Anh vẫn quay MV, người ta thấy anh trẻ giai, video của anh có độ phân giải cao, người ta thấy anh có một kiểu tóc hợp mốt, quần áo chỉnh tề và diễn chung với những diễn viên xinh đẹp hơn các MV trước. Một Đan Trường trong "Lại một ngày Không em" cố diễn tả một chàng trai bảnh bao sống trong tình yêu say đắm của mình không thể nào chiếm được cảm tình của khán giả nhiều như một Đan Trường ngẩn ngơ, say sưa với những nỗi yêu đầu đời, trông giống như lúc nào cũng sẵn sàng đắm chìm, cũng sẵn sàng từ biệt của Đi Về Nơi Xa, Hãy Để Mưa Rơi, Những Mùa Dấu Yêu...

Âm nhạc mì ăn liền lên ngôi, cái thời của một Phương Thanh lang thang, một Thu Phương thà làm hạt mưa bay, một Đan Trường phiêu du, một Lam Trường xin đến trong giấc mộng, một Hồng Nhung nghe mưa đi rất xa... đều đã "đi về nơi xa". Chỉ còn lại trong tình cảm của những người yêu nhạc trẻ cuối 90.

Một sự thiệt thòi, có lẽ, dành cho thế hệ thanh xuân nghe nhạc trẻ thời nay, trong cái tuổi đời cần một không gian phiêu lãng cho tâm hồn để có thể sống rộng lượng với cuộc đời thực tế rối ren thật giả.

Đức Anh
[Bài của tác giả gửi cho blogtranminhphi]

Back To Top