16.3.17

Khi Bolero Không Chỉ Là Bolero!

Bolero là một trong các thể loại âm nhạc của thế giới được du nhập và Việt hoá thành công nhất ở nước ta.
Chuyện đơn giản có vậy thôi, nhưng...Chuyện gì đã xảy ra với bolero?

Nhạc Bolero xuất hiện ở Việt Nam vào cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, như vậy nó đã có tuổi đời khoảng hơn 60 năm, nghĩa là ra đời sau Tân nhạc Việt (1938) hơn 2 thập niên. Gọi là nhạc bolero vì nó được viết theo tiết điệu bolero của Mỹ latin. Gốc rễ của nó chính là từ Tây Ban Nha đã lan tỏa sang các nước nam Mỹ rồi sau đó thâm nhập toàn thế giới. Điều đặc biệt là khi du nhập vào VN và tuôn chảy khi ào ạt lúc thâm trầm thì dòng nhạc này không bao giờ lạc hậu trong thú nghe nhạc của đa số người Việt! và điều thú vị hơn hết nó chứng minh được một điều vô địch của nó so với tất cả các thể loại nhạc phương tây khi đặt chân vào VN: Việt hóa thành công để có dân tộc tính cao nhất.Hãy bắt đầu từ bản chất của bolero. Nó đơn giản thế này: tiết điệu êm đềm dễ chịu như sự mơn trớn. Giai điệu dễ nhớ dễ nghe theo dòng chảy thính giác của cảm xúc từ man mác đến thật buồn. Nó là sự lãng mạn đơn sơ cho nên gần gũi với tất cả mọi người.Cái chất buồn của nó vô tình rất gần với chất oán trong cải luơng cũng như dân ca nam bộ, cũng như dòng chảy nhịp nhàng của nó rất gần với tổ chức tiết tấu của nhạc tài tử miền nam. Người đầu tiên nhận ra điều này là nghệ sĩ Viễn Châu, nên sau này ông đã sáng tạo ra hình thức tân cổ giao duyên rất đặc trưng cho văn hóa nam bộ. Nghĩa là ông tạo nên sự kết nối khéo léo và hài hòa giữa các bài tân nhạc Việt theo phong cách bolero với cải lương.

Tuy nhiên, thực tế nhạc Việt không chỉ có bolero hay đúng hơn, bolero không phải là đỉnh cao của nhạc Việt. Nó chỉ là một thể loại nhạc phổ thông (trong các thể loại nhạc phổ thông) mang tính đặc trưng nhất của miền nam Việt Nam trước đây và cho đến tận bây giờ.

Vấn đề của bolero bây giờ là đã được thổi phồng quá lớn không phải vì tính chất nghệ thuật mà nhiều hơn là do vấn đề về chính trị, vấn đề về ý thức hệ đã mượn bolero làm biểu tượng văn hoá để tương tác lại một biểu tượng văn hoá khác.

Nói cho dễ hiểu, người ta ít nhiều cố lấy bolero như một biểu tượng văn hoá về âm nhạc của chính thể VNCH trước đây để cố tạo sự đối chiếu với văn hoá âm nhạc của chế độ cộng sản hiện nay, để so sánh tính tâm hồn và tính thực dụng, tính nghệ thuật với tính tào lao của hai nền văn hoá âm nhạc đại chúng này.

Trước 1975, tại miền nam người ta cũng đánh giá bolero là một thể loại ca khúc đại chúng nhất vì tính bình dân của nó. Thậm chí, nhiều người còn xem nó như là nhạc của giới lao động để phân biệt nó với loại ca khúc có tính "trí thức" hơn như các tác phẩm viết theo tiết điệu tây phương khác của các tác giả điển hình như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thuỵ Miên...và các tác giả viết nhạc trẻ theo phong cách Pop Rock như Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, Quốc Dũng...

Rõ ràng, nhạc của miền nam trước 75 không chỉ có bolero, nó chỉ là một dòng chảy lớn bên cạnh các dòng chảy lớn khác. Tính nghệ thuật trong nhạc lẫn ca từ không phải là đỉnh cao mà nó chỉ nổi bật vì chất thuần Việt nổi trội cũng như tính đơn giản, dễ hiểu, dễ cảm và quen thuộc phù hợp với dân trí âm nhạc bình dân của đa phần người Việt hơn. Có khi, ngay thời điểm đó nó còn bị đánh giá thấp hơn các dòng nhạc khác thông qua cách gọi có vẻ coi thường là "nhạc sến" để phân biệt với "nhạc sang" của các tác giả tiêu biểu kể trên.

Vấn đề của một nền âm nhạc đương đại là khi âm nhạc của một thời quá khứ lại trở thành đương đại! Đó là một bi kịch xét trên sự chuyển biến, đổi mới và sáng tạo của một nền văn nghệ. Chúng ta biết, những tác phẩm hay, bất hủ sẽ sống mãi và sẽ được hồi sinh qua từng thời điểm. Nhìn qua trên thế giới, điều đó là hiển nhiên. Nhưng cái cách mà bolero "phục hưng" như một trào lưu gần như độc tôn, lấn át hầu hết mọi xu hướng âm nhạc khác của quá khứ và đương đại trong người nghe rồi trở thành thời thượng là có sự bất thường lẫn tiêu cực trong giới thưởng thức nghệ thuật và giới sáng tạo nghệ thuật.

Nhưng càng bất thường và tiêu cực hơn khi bolero bị lợi dụng cho những vấn đề khác ngoài nghệ thuật. Những người không thích cộng sản tranh thủ ngay sự hoài cổ mang tính chu kỳ trong âm nhạc đã thổi phồng bolero lớn hơn chính tầm vóc của nó. Mặt khác, bolero lại trở thành nạn nhân bị kỳ thị và có khuynh hướng bài xích trong tư tưởng của những người cộng sản là loại nhạc của lính cộng hoà ( Vì đơn giản các bài bolero nổi tiếng và ăn khách phần lớn đều mang nội dung hoặc có liên quan về tâm tư, tình cảm của quân nhân cộng hoà)

Hãy để bolero sống tự nhiên như nó đã tự nhiên đến và đâm chồi nẩy lộc tại đất nước này. Hãy nhìn nhận nó như nó vốn có, như cái cách và chất lượng tự thân mà nó đã góp phần tạo nên diện mạo chung của âm nhạc Việt. Đừng thổi phồng quá to và bất thường hay kìm hãm, bóp chặt nét đặc sắc nào đó trên gương mặt nhạc Việt vì một vấn đề ngoài nghệ thuật. Điều này chỉ tạo nên một gương mặt mất cân đối, dị thường và kỳ quặc của âm nhạc Việt Nam phản ánh trong tâm khảm của những người yêu nhạc Việt và viết nhạc Việt.

Trần Minh Phi



Back To Top